Thể loại Phim chiến tranh

Thể loại phim chiến tranh không nhất thiết phải được định nghĩa rõ ràng: chẳng hạn, Viện phim Mỹ chỉ đề cập khái niệm về "những bộ phim về những trận đại chiến" mà không hề phân loại rõ ràng những phim này.[2] Tuy nhiên, một số đạo diễn và nhà phê bình điện ảnh đã đưa ra những định nghĩa mang tính ước lệ. Đạo diễn Sam Fuller định nghĩa thể loại này là: "mục tiêu của một bộ phim chiến tranh, không cần biết là về mặt cá nhân hay cảm xúc, là làm cho người xem cảm thấy được tính chiến tranh."[3] John Belton đã xác định bốn yếu tố tường thuật của phim chiến tranh trong bối cảnh sản xuất của Hollywood: a) sự tạm ngừng đạo đức dân sự trong thời kỳ chiến tranh, b) tính ưu tiên của mục tiêu tập thể hơn động cơ cá nhân, c) sự ganh đua giữa những cá nhân trong các nhóm nam giới như việc gạt ra ngoài lề và khách quan hóa phụ nữ, và d) mô tả sự tái hòa nhập của các cựu chiến binh.[4]

John Wayne trong The Longest Day, năm 1962

Nhà phê bình phim Stephen Neale cho rằng thể loại này rất dễ để định nghĩa vì phim chiến tranh chỉ đơn giản là những phim về những cuộc chiến trong thế kỷ 20, với các cảnh chiến đấu là trung tâm của bộ phim. Tuy nhiên, Neale lưu ý, những bộ phim lấy bối cảnh Nội chiến Hoa Kỳ hoặc Chiến tranh Da Đỏ vào thế kỷ 19 được gọi là phim chiến tranh trong thời gian trước Chiến tranh thế giới thứ nhất.[5] Ngược lại, nhà phê bình Julian Smith lập luận rằng phim chiến tranh không có phạm vi về thể loại phim, nhưng trên thực tế, những phim chiến tranh "thành công và có ảnh hưởng" là về các cuộc chiến tranh thời hiện đại, cụ thể là Chiến tranh thế giới thứ hai, với sự kết hợp các nội dung liên quan tới lực lượng cơ động và giết người hàng loạt.[1] Học giả điện ảnh Kathryn Kane[6] đã chỉ ra một số điểm tương đồng giữa thể loại phim chiến tranh và phim Viễn Tây: cả hai thể loại đều sử dụng các khái niệm đối lập như chiến tranh và hòa bình, văn minh và man rợ. Các bộ phim chiến tranh thường đóng khung Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc xung đột giữa "thiện" và "ác" do lực lượng Đồng MinhĐức Quốc Xã thể hiện, trong khi phim Viễn Tây lại miêu tả cuộc xung đột giữa những người di cư văn minh và nhóm dân bản địa man rợ.[7] James Clarke lưu ý sự giống nhau giữa một tác phẩm Viễn Tây như The Wild Bunch của Sam Peckinpah và "những cuộc chạy trốn trong phim chiến tranh" ở The Dirty Dozen.[8]

Nhà sử học điện ảnh Jeanine Basinger dựa vào tác phẩm Bataan để đưa ra định nghĩa về "phim chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ hai", trong đó một nhóm "tình nguyện viên được tập hợp" đa dạng về sắc tộc và rõ ràng là không thích hợp để cầm chân một nhóm kẻ thù lớn hơn nhiều nhờ "sự dũng cảm của họ và sự bền bỉ".[9] Bà lập luận rằng phim chiến đấu không phải là một thể loại con mà là loại phim chiến tranh chính hiệu. Bà lưu ý rằng trên thực tế chỉ có năm bộ phim chiến đấu thực sự được thực hiện trong Chiến tranh thế giới thứ hai.[10] Tuy nhiên, các nhà phê bình khác như Russell Earl Shain đề xuất một định nghĩa rộng hơn nhiều về phim chiến tranh, bao gồm các phim đề cập đến "vai trò của dân thường, gián điệp và binh lính trong bất kỳ khía cạnh nào của chiến tranh (ví dụ như khâu chuẩn bị, nguyên nhân, phòng ngừa, ứng xử, cuộc sống hàng ngày và hậu quả)".[11] Neale chỉ ra rằng nhiều thể loại phim bị trùng lặp lẫn nhau, với các cảnh chiến đấu cho các mục đích khác nhau cũng có xuất hiện trong các thể loại phim khác, và gợi ý rằng phim chiến tranh được đặc trưng bởi các trận chiến "xác định số phận của các nhân vật chính". Điều này càng đẩy các cảnh chiến đấu lên cao trào của các bộ phim chiến tranh.[12] Tuy vậy, không phải tất cả các nhà phê bình đều đồng ý rằng phim chiến tranh phải nói về các cuộc chiến tranh thế kỷ 20. James Clarke lựa chọn bộ phim đoạt giải Oscar Glory (1990) của Edward Zwick là một trong số những bộ phim chiến tranh mà ông phân tích chi tiết; và tác phẩm này được đặt bối cảnh trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Ông cũng liệt kê sáu bộ phim khác về cuộc chiến này mà ông cho là "đáng chú ý".[13]

Nhà sử học quân sự người Anh Antony Beevor "thất vọng" trước cách các nhà làm phim từ Mỹ và Anh chơi đùa với sự thật, nhưng đồng thời cũng cho rằng "phiên bản [phim] của họ cũng tuyệt vời như sự thật".[14] Ví dụ, ông gọi bộ phim năm 2000 của Mỹ U-571 là "sự lừa dối vô liêm sỉ" khi kể về việc một tàu chiến Mỹ đã giúp giành chiến thắng trong Trận Đại Tây Dương – bảy tháng trước khi Mỹ tham chiến.[14] Ông cũng phê bình bộ phim Cuộc di tản Dunkirk năm 2017 của đạo diễn Christopher Nolan với những bãi biển thiếu chất lịch sử, những trận không chiến tầm thấp trên biển và các cuộc giải cứu bằng "những con tàu nhỏ".[14] Tuy nhiên, Beevor cảm thấy rằng các nhà làm phim Châu Âu lục địa thường "cẩn thận hơn nhiều"; ví dụ, theo quan điểm của ông, bộ phim Downfall của Đức năm 2004 đã mô tả chính xác các sự kiện lịch sử trong những ngày cuối cùng của Hitler trong boongke ở Berlin,[14] và ông coi bộ phim của Pháp The 317th Platoon (1965) – lấy bối cảnh ở Việt Nam – là "bộ phim chiến tranh vĩ đại nhất từng được thực hiện". Theo ông, bộ phim The Battle of Algiers năm 1966 cũng là một bộ phim tiệm cận đến sự vĩ đại đó.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phim chiến tranh http://www.filmbiz.asia/news/eternal-zero-tops-jap... http://nla.gov.au/nla.news-article58094591 http://www.afi.com/silver/films/2014/p67/thegreatw... http://www.allmovie.com/movie/v40655 http://articles.baltimoresun.com/1993-10-09/featur... http://www.criterion.com/current/posts/342-the-bat... http://www.criterion.com/current/posts/8-alexander... http://www.criterion.com/current/posts/812-paths-o... http://www.historytoday.com/michael-paris/american... http://www.hollywoodmoviememories.com/articles/war...